Trong
khi doanh nghiệp sản xuất thép trong nước gặp khó khăn vì tiêu thụ kém,
tồn kho tăng cao nhưng hàng ngoại vẫn ùn ùn nhập về.
Theo
số liệu của Tổng cục Hải quan, đến giữa tháng 9-2014, kim ngạch nhập
khẩu thép các loại của doanh nghiệp (DN) trong nước đạt giá trị hơn 5,05
tỉ USD, tăng 316 triệu USD (tương đương + 6,7%) so với cuối năm ngoái,
bất chấp tình hình tồn kho trong nước với mặt hàng này tiếp tục tăng
36,5%...
Một số nhà máy phía Bắc phải đóng cửa
Theo
Bộ Công Thương, tính đến cuối tháng 8-2014, sản lượng các mặt hàng thép
sản xuất trong nước đều ở mức cao, so với cùng kỳ năm 2013. Thép thô
đạt 1.950,9 ngàn tấn, giảm 0,01%; thép cán đạt 2.310,9 ngàn tấn, tăng
22,8%; thép thanh, thép góc đạt 2.288 ngàn tấn, tăng 5,1%. Ngược với con
số lạc quan về sản xuất, tình hình tiêu thụ mặt hàng này lại đạt mức
thấp do kinh tế trong nước vẫn còn khó khăn.
Sản
lượng tiêu thụ chỉ tập trung vào những công trình dở dang, chưa có
nhiều công trình mới. Nhu cầu xây dựng khu vực dân dụng cũng giảm sút.
Sức mua kém, cộng thêm phải cạnh tranh với thép Trung Quốc nhập khẩu nên
các nhà sản xuất trong nước phải giảm giá bán. Các phương thức giảm giá
chủ yếu được các nhà sản xuất áp dụng là: hỗ trợ vận chuyển, tăng chiết
khấu sản lượng, tăng hỗ trợ công trình… Thậm chí, không cầm cự nổi, một
số nhà máy sản xuất sắt, thép khu vực phía Bắc phải đóng cửa.
Một
số nhà đầu tư lớn, theo kế hoạch ban đầu, sẽ rót hàng tỉ USD xây dựng
nhà máy thép ở Việt Nam, nay cũng phải dừng và rút vốn đầu tư. Tập đoàn
sản xuất thép hàng đầu thế giới JFE của Nhật xin rút khỏi dự án thép 3
tỉ USD trong Khu Kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) sau 8 năm theo đuổi.
Hiện
Việt Nam đang đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Liên minh
Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan được trông đợi sẽ tạo cơ hội đẩy
mạnh xuất khẩu hàng Việt nhưng ngược lại, nhiều DN trong nước cũng lo
lắng khi các mặt hàng thép từ liên minh này sẽ tràn vào Việt Nam để
hưởng thuế suất về dần 0%, cạnh tranh trực tiếp với hàng nội. Bởi trong
quá trình đàm phán, liên minh hải quan cũng đặt ưu tiên hàng đầu khi
xuất khẩu sang Việt Nam các mặt hàng công nghiệp thép, dù Bộ Công Thương
khẳng định việc giảm thuế sẽ có lộ trình chứ không lập tức đưa về 0%
khi hiệp định được ký kết.
Cần bảo vệ thép sản xuất trong nước
Trong
lúc DN thép nội phải vật lộn với khó khăn chất chồng do thị trường bất
động sản đóng băng từ nhiều năm qua, sức tiêu thụ kém thì hàng nhập khẩu
vẫn ồ ạt tràn vào cạnh tranh với giá rẻ. Trong các thị trường nhập
khẩu, Trung Quốc vẫn áp đảo, nhất là thép xây dựng do giá rẻ.
Số
liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy chỉ tính riêng thị trường Trung
Quốc, các DN trong nước đã bỏ ra 588 triệu USD nhập khẩu thép các loại.
DN
ngành thép đã nhiều lần kiến nghị Bộ Công Thương xem xét có biện pháp
bảo vệ thép nội địa bởi thép xây dựng nhập khẩu từ Trung Quốc giá rẻ do
gian lận thương mại để hưởng thuế nhập khẩu 0%.
“Thép
Trung Quốc bán giá rẻ hơn thép nội địa khoảng 300.000-400.000 đồng/tấn
nhưng chất lượng kém nên tiêu thụ nhiều ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng
xa và người tiêu dung sẽ bị thiệt” - đại diện một DN thép phân tích.
Ông
Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty Thép Việt (Pomina), cho rằng trong
khi thép xuất khẩu Việt Nam có nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá ở
các thị trường nước ngoài thì trong nước lại bị hàng nhập khẩu giá rẻ
cạnh tranh.
Mới đây, Bộ Công Thương cho áp thuế
chống bán phá giá đối với thép không gỉ nhập khẩu từ các thị trường, đó
là một tín hiệu tốt cho ngành thép trong nước nhưng bấy nhiêu chưa đủ
bởi nhiều loại thép khác đang chịu sức ép nặng bởi hàng nhập khẩu cùng
loại.
Theo Song Hà